Top Ad unit 728 × 90

Bài viết nổi bật

Tin Tức
[Tin Tức][slider][#fc0000]

Ông lão nghèo thành đại gia sau một giấc mơ trưa

Hơn một năm trôi qua, người dân ở xóm nghèo thuộc ấp Bà Hính (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) vẫn chưa thể quên chuyện lão nông Trần Văn Trung sau một đêm bỗng trở thành tỷ phú. Người dân địa phương đồn đại, Ba Trung trước đây nghèo rớt mồng tơi, quanh năm làm nghề đi ngủ thuê kiếm chút bạc lẻ, nên “ơn trên” thương tình đã “độ” bằng một giấc mơ trúng số thành hiện thực.
Hơn một năm trôi qua, người dân ở xóm nghèo thuộc ấp Bà Hính (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) vẫn chưa thể quên chuyện lão nông Trần Văn Trung sau một đêm bỗng trở thành tỷ phú. Người dân địa phương đồn đại, Ba Trung trước đây nghèo rớt mồng tơi, quanh năm làm nghề đi ngủ thuê kiếm chút bạc lẻ, nên “ơn trên” thương tình đã “độ” bằng một giấc mơ trúng số thành hiện thực.
Giấc mơ kỳ lạ
Câu chuyện ly kỳ về lão nông nghèo khổ Ba Trung (78 tuổi) ở chợ Bà Hính trúng số đặc biệt đến nay vẫn là chủ đề bàn tán của nhiều người có lòng tin về sự may rủi của vé số. Nhà Ba Trung nằm khuất sau con hẻm nhỏ, sàn được kê bằng mấy viên gạch, bên dưới vẫn nền đất ngập đầy nước tù đọng bẩn thỉu. Tiếp chuyện chúng tôi trong gian nhà nhỏ ẩm thấp, Ba Trung trầm ngâm cho biết, gia đình đã sống ở đây ngót 40 năm.
Bản thân ông không có đất đai, chỉ có đôi bàn tay và sức khỏe nên quanh năm chỉ biết đi làm thuê khắp làng trên xóm dưới kiếm cái cơm. Nhà Ba Trung đông con nhất vùng. Ở khu chợ Bà Hính, người ta vẫn hay hóm hỉnh ví von vợ ông như “máy đẻ” và chua xót thay, sự đông đúc ấy dẫn đến một kỷ lục đáng buồn khác: Kỷ lục về sự thiếu ăn.
“Thời may, những đứa con sinh ra rồi bị thả vạ vật của tôi lớn lên chẳng bệnh tật gì, đứa nào cũng mạnh như cây cỏ ngoài rừng. Chỉ hiềm nỗi, chẳng đứa nào được ăn học cho ra hồn”, Ba Trung nheo đôi mắt tư lự nói.
Năm tháng qua đi, đến nay những đứa con của Ba Trung đều đã lớn và lập gia đình. Nhưng bất chấp sự lam lũ, chịu thương chịu khó, cái vòng kim cô đói khổ vẫn cứ quanh quẩn không ai dứt ra được. Vậy nên, gần chục đứa con chẳng ai có điều kiện để báo hiếu với cha mẹ. Bước sang tuổi bóng xế chiều tàn, vợ Ba Trung vẫn phải tối ngày quảy đôi quang gánh, kẽo kẹt mang bánh tét, bánh ú rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm kiếm tiền nuôi gia đình.
Căn nhà đơn sơ của vợ chồng ông lão sau khi đổi đời.
Về phần mình, Ba Trung trước đây cũng đi làm thuê, làm mướn cho người ta để kiếm tiền. Nhưng dần dà tuổi cao sức yếu, ông đi xin việc chẳng ai mướn, đành về nhà phụ vợ gói bánh Tết. Tối đến, ông nhận thêm công việc đi ngủ thuê để trông giữ đồ đạc cho hàng xóm láng giềng. Mỗi đêm như vậy, Ba Trung được nhận mười ngàn đồng, đủ để mua gói thuốc hút. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong sự nghèo mạt. Những đêm chong đèn trông đồ cho hàng xóm, Ba Trung luôn ao ước một ngày nào đó được đổi đời, để biết mùi vị của sự sung sướng thì chết cũng mãn nguyện. Niềm mong mỏi ấy hình như đã thấu đấng linh thiêng, để rồi vận may kỳ lạ chợt “gõ cửa” lão nông nghèo. Đó là vào một buổi trưa, Ba Trung đang đi ngủ mướn thì gặp một giấc mơ được xem là điềm báo.
Ông kể: “Hôm đó, tôi đang nằm ngủ thì chợt thấy một giấc mơ lạ, trong mơ có một ông lão râu tóc bạc phơ, khuôn mặt rất phúc hậu hiện lên. Ông lão nói văng vẳng bên tai tôi: “Từ nay, ông không cần đi ngủ mướn nữa. Có người thương ông nên cho ông một số tiền dành dụm mà tiêu xài”. Câu nói vừa dứt, tôi liền bật dậy thì không thấy ông lão đâu. Ngồi thẫn thờ nghĩ rằng, rất có thể đây là điềm báo may mắn mà “ơn trên” báo cho, tôi suy xét xem liệu có một điều kỳ diệu sẽ đến không? Nào ngờ, điềm báo trong giấc mộng kia là sự thật”. Ngày hôm sau, Ba Trung dậy từ lúc trời còn hửng sáng và về nhà đem chuyện kể hết cho vợ. Nghe xong, vợ ông còn cười nói chắc hôm nay sẽ bánh đắt hàng, chiều về sẽ có tiền cho ông mua thuốc lá hút.
Đến buổi trưa, Ba Trung có dịp đi ra phía đầu đường định mua thuốc lá thì có người bán vé số đến mời mua. Đúng lúc này, ông mới nhớ rằng hôm qua có mua một tờ vé số nên mượn sổ người bán vé dò thử nhưng kết quả trật. Lỡ mượn sổ người ta dò số mà không mua thì xấu hổ, ông tặc lưỡi mua đại thêm một vé nữa. Mua xong, ông còn tiếc hùi hụi mười ngàn đồng vì đó là giá trị của cả một đêm đi ngủ muốn mới có được. Đến chiều tới giờ xổ số, Ba Trung chăm chú ngồi bên chiếc đài cũ kỹ để nghe đọc từng con số. Hôm ấy, đài Hậu Giang mở thưởng và phải đợi đến hàng cuối cùng, đài mới phát đi dãy số đặc biệt. Thật kỳ diệu, nó hoàn toàn trung khớp với dãy số trên tờ vé mà Ba Trung cầm. “Tôi nhớ 6 chữ số là 225756, giải thưởng trị giá 1,5 tỷ đồng. Lúc đó, tôi muốn hét lên vì sung sướng”, Ba Trung cười nói.
Cuộc sống đạm bạc của tỷ phú “chân đất”
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Ba Trung luôn khẳng định, chắc chắn có ai đó đã giúp đỡ ông trong chuyện trúng số. Bởi từ giấc mơ cho đến hiện thực đều có sự liên tưởng khó tả. Ban đầu là chuyện được mách bảo có người cho tiền như trong mơ làm Ba Trung có niềm tin hơn, từ đó ông mới quyết định mua vé số để rồi thành tỷ phú.
Tỷ phú “chân đất” Trần Văn Trung trò chuyện với PV.
Tuy nhiên, điều đáng quý là lão nông này đã biết quý trọng đồng tiền sau khi đổi đời. Nhìn căn nhà nhỏ đơn sơ, mặt nền lênh láng nước thối hiện tại, không ai nghĩ đây là nơi ở của một tỷ phú thực thụ. Ba Trung bảo giờ có tiền thật nhưng cuộc sống mấy chục năm nghèo khó đã quen nên không biết sống như thế nào để… sướng. Bởi lý do kỳ cục đó, 1,5 tỷ đồng tiền lĩnh giải vẫn không làm thay đổi bất kỳ nếp sinh hoạt nào ở gia đình nghèo này. Vẫn ngôi nhà lụp xụp trong con hẻm lầy lội, vợ đi bán bánh sớm hôm, chồng đi làm mướn gom từng đồng. Lão nông tâm sự: “Tôi cảm nhận được đồng tiền quý giá, nên tạm thời chưa dám tiêu xài gì cả, Ngoài việc cho các con mỗi đứa một ít để lấy vốn mần ăn, số còn lại tôi đem gửi ngân hàng với ý định sau này tìm mua vài công đất để đến tuổi già nằm xuống cũng có chỗ nương”.

“Cuộc sống vất vả là vậy nhưng vợ chồng tôi rất hạnh phúc, mấy chục năm đều sớm tối có nhau. Vợ tôi là một người đàn bà đảm đang, chung thủy. Hơn hai mươi năm với đòn gánh nặng trĩu trên vai, len lỏi khắp các con đường ngõ xóm để bán bánh, chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Khổ nhiều nên quen, khi có tiền trúng số, bà ấy cũng khiêm tốn, chẳng đòi hỏi gì. Bà ấy bảo, nay đã già không có nhu cầu tiêu pha nên cứ để dành cho con cháu. Mai này, vợ chồng chết đi còn có cái để mà lo”, ông tâm sự.Theo Ba Trung thì cái số bần hàn có lẽ đã hình thành nên tính cách, thói quen của con người ông. Từ nhỏ ông đã khổ, bản thân sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Cái Nước. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng tham gia cách mạng làm giao liên chuyển thư từ qua lại cho các đơn vị. Sau ngày giải phóng, Ba Trung theo vợ về ở xứ Bà Hính cho tới nay. Nhưng cuộc sống quanh năm vẫn nghèo, làm việc đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn. Nhiều khi, chính ông cũng giận cho cái số phận hẩm hiu của mình.
Ngày Ba Trung may mắn trúng số, bà con nơi đây ai cũng mừng lây, sang chúc mừng mấy ngày liền. Cả đời phải sống cảnh nghèo túng, không lúc nào thấy lão được thảnh thơi. Khi tuổi đã xế chiều, lão còn nhận hợp đồng đi ngủ thuê trông nhà cho người ta. Tưởng chừng, cuộc đời Ba Trung sẽ cứ thế trôi đi rồi khép lại trong nghèo hèn chuyện trúng số bạc tỷ đã làm thay đổi tất cả. Tuy nhiên, cái quý là có bạc tỷ trong nhà nhưng phong cách sống của lão tỷ phú chân đất vẫn vậy. Tằn tiện và tiết kiệm không ăn xài hay mua sắm tài sản giá trị như lâu nay vẫn thấy ở người bỗng chốc trúng số. Vì vậy, Ba Trung như một tấm gương điển hình của người biết trân trọng “lộc trời” ở miệt sông nước này.
Theo Phạm Vũ
Ông lão nghèo thành đại gia sau một giấc mơ trưa Reviewed by Sally Uyen TV on 06:20 Rating: 5
Bản quyền thuộc về Thuacan.com © 2014 - 2015

Liên hệ nhanh

Tên

Email *

Nội dung *

Được tạo bởi Blogger.